Cuộc đời và Sự nghiệp Erich Maria Remarque

Erich Maria Remarque sinh ngày 22 tháng 6 năm 1898 trong một gia đình thuộc giai cấp lao động ở thành phố Osnabrück, Đức. Cha của ông là Peter Franz Remark (sinh ngày 14.6.1867 tại Kaiserswerth) còn mẹ là Anna Maria (nhũ danh Stallknecht, sinh ngày 21.11.1871 tại Katernberg).

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất

Remarque gia nhập quân đội ở tuổi 18 trong thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngày 12.6.1917, ông được chuyển tới Mặt trận phía Tây, phục vụ ở Sư đoàn Bộ binh Trừ bị số 2 đồn trú tại Hem-Lenglet. Ngày 26.6.1917, ông được chuyển tới trung đội Công binh Bethe, thuộc đại đội 2, trung đoàn Bộ binh trừ bị thứ 15, đồn trú ở giữa TorhoutHouthulst. Ngày 31.7.1917, ông bị thương ở chân trái, ở cánh tay phải và ở cổ vì trúng các mảnh đạn trái phá, và được đưa về điều trị trong một bệnh viện quân đội Đức cho tới hết cuộc chiến.

Làm giáo viên

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông xuất ngũ học ngành sư phạm rồi làm giáo viên tiểu học từ ngày 1.8.1919 tại Wietmarschen, thời đó thuộc huyện Lingen, nay thuộc huyện Grafschaft Bentheim. Từ tháng 5 năm 1920 ông làm việc ở Klein Berßen thuộc huyện Hümmling cũ, nay là huyện Emsland, và từ tháng 8 năm 1920 ông làm việc ở Nahne (sáp nhập vào thành phố Osnabrück từ năm 1972). Ngày 20.11.1920 ông xin nghỉ dạy học.

Các việc làm khác

Sau khi nghỉ dạy học, Erich đã làm nhiều việc khác nhau như nhân viên thư viện, buôn bán, nhà báo, biên tập viên vv... Công việc viết lách đầu tiên được trả lương của ông là việc viết kỹ thuật cho Công ty Continental AG, một công ty sản xuất lốp xe của Đức[1].

Tiểu thuyết gia

Remarque tại Davos năm 1929.

Remarque đã thử viết văn từ khi 16 tuổi bằng những bài tiểu luận, thơ và bắt đầu viết quyển tiểu thuyết Die Traumbude được xuất bản năm 1920. Khi xuất bản quyển Phía Tây không có gì lạ (Im Westen nichts Neues), Remarque đổi tên đệm thành Maria để tưởng niệm người mẹ và lấy lại tên họ nguyên thủy là Remarque (đã bị ông nội đổi thành Ramark từ thế kỷ thứ 19)[2].

Năm 1927, Remarque bắt đầu viết quyển tiểu thuyết thứ hai Station am Horizont (Trạm ở chân trời), được đăng từng kỳ trên tạp chí thể thao "Sport im Bild" nơi Remarque cộng tác. Quyển này chỉ được xuất bản dưới dạng sách trong năm 1998. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Phía Tây không có gì lạ (Im Westen nichts Neues), đã được viết trong vài tháng năm 1927, nhưng Remarque không tìm được một nhà xuất bản.[3], mà phải đợi mãi tới năm 1929 mới được xuất bản. Tiểu thuyết này mô tả các kinh nghiệm từng trải của những người lính Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau đó, ông viết một số tác phẩm tương tự bằng ngôn ngữ giản dị đầy cảm xúc mô tả những sự kiện thời chiến và những năm sau chiến tranh.Năm 1931, sau khi hoàn tất quyển Der Weg zurück (Đường trở về), Remarque mua một biệt thự ở thị xã Ronco sopra Ascona (Thụy Sĩ), để vừa cư ngụ ở đây vừa ở Pháp. Quyển tiểu thuyết tiếp theo của ông là Drei Kameraden (Ba người bạn), mô tả một thời kỳ kéo dài nhiều năm của Cộng hòa Weimar, từ cuộc lạm phát phi mã năm 1923 đến cuối thập niên 1920. Cuốn tiểu thuyết thứ tư của Remarque là quyển Liebe deinen Nächsten (dịch sang tiếng Anh là Flotsam hoặc Love Thy Neighbour), xuất hiện đầu tiên trên tạp chí Collier's năm 1939 dưới bản dịch từng kỳ sang tiếng Anh, Remarque đã dành thêm 1 năm sửa chữa lại rồi mới in thành sách cả bằng tiếng Đức lẫn tiếng Anh trong năm 1941. Tiểu thuyết tiếp theo của ông là quyển Khải Hoàn Môn, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh trong năm 1945, năm sau được xuất bản bằng tiếng Đức, đã nhanh chóng trở thành quyển sách bán chạy nhất với doanh thu gần 5 triệu dollar Mỹ.

Thời kỳ Đức Quốc xã

Ngày 10.5.1933, chính phủ Đức – theo sáng kiến của bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Quốc xã Joseph Goebbels – đã cấm và công khai đốt các tác phẩm của Remarque. Remarque cuối cùng phải rời Đức sang sống tại biệt thự của ông ở Thụy Sĩ. Đức quốc xã tiếp tục đả kích tác phẩm của ông và tuyên bố rằng ông là hậu duệ của người Pháp gốc Do Thái và rằng tên họ thật của ông là Kramer, một tên nghe có vẻ Do Thái, và tên gốc của ông được đánh vần ngược. Điều này vẫn được trích dẫn trong một số bản tiểu sử, bất chấp chứng cứ không đầy đủ. Đức quốc xã cũng khẳng định - cách giả dối - là Remarque đã không nhập ngũ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1938, ông bị thu hồi quốc tịch Đức, rồi sau đó vào năm 1939 sau khi ông và người vợ cũ đã tái hôn để ngăn chặn việc bà phải hồi hương về Đức, họ đã rời Porto Ronco, Thụy Sĩ để sang Hoa Kỳ[4]. Họ nhập quốc tịch Mỹ năm 1947[5].

Năm 1943, chính phủ Đức bắt giam người chị/em của ông, Elfriede Scholz, người đã ở lại Đức với chồng và 2 đứa con của bà. Sau một phiên xét xử ngắn ở "Volksgerichtshof" ("Tòa án nhân dân" ngoài hiến pháp của Hitler), Scholz bị kết tội "phá hoại ngầm tinh thần" vì đã nói rằng cuộc chiến tranh này sẽ thất bại. Chủ tọa phiên tòa Roland Freisler tuyên bố: " Ihr Bruder ist uns Leider entwischt-Sie aber werden uns nicht entwischen" ("Không may là người anh trai của mụ đã thoát khỏi tầm tay của chúng tôi, tuy nhiên, mụ sẽ không thoát khỏi tay chúng tôi"). Scholz đã bị chặt đầu ngày 16 tháng 12 năm 1943, và chi phí cho việc bắt giam, truy tố cùng việc xử tử Scholz là 495,80 Đức Mã - được gán cho người em gái của Scholz là Erna phải gánh chịu[6].

Thụy Sĩ

Năm 1948, Remarque trở lại Thụy Sĩ sống hết cuộc đời còn lại. Có một khoảng cách bảy năm - một sự im lặng dài của Remarque - giữa quyển Khải Hoàn Môn và tác phẩm tiếp theo của ông Der Funke Leben (Tia lửa sống), xuất hiện bằng cả tiếng Đức và tiếng Anh vào năm 1952. Trong khi đang viết quyển Der Funke Leben Remarque cũng đã viết tiếp một cuốn tiểu thuyết khác Zeit zu Leben und Zeit zu sterben (Thời để sống và Thời để chết). Quyển này được xuất bản lần đầu trong bản dịch tiếng Anh năm 1954 với nhan đề không hoàn toàn theo nghĩa đen A Time to Love and a Time to Die (Một thời để Yêu và một Thời để Chết). Năm 1958, Douglas Sirk đã đạo diễn bộ phim A Time to Love and a Time to Die ở Đức, dựa trên cuốn tiểu thuyết nói trên của Remarque. Remarque đã đóng một vai nhỏ là vai vị Giáo sư trong phim này.

Năm 1955, Remarque đã viết kịch bản cho một phim Áo: Der letzte Akt (Màn chót), về những ngày cuối cùng của Hitler trong căn hầm của Phủ thủ tướng Đức ở Berlin, dựa trên cuốn sách Ten days to die (1950) của Michael Musmanno. Năm 1956, Remarque đã viết một vở kịch sân khấu Full Circle (Die letzte Station) được diễn thành công ở cả Đức lẫn trên sân khấu Broadway. Bản dịch tiếng Anh được xuất bản vào năm 1974 nhan đề Heaven Has No Favorites được đăng từng kỳ trên báo (với tiêu đề Borrowed Life (Cuộc đời vay mượn) vào năm 1959 rồi được in thành sách vào năm 1961 và được chuyển thể thành bộ phim Bobby Deerfield năm 1977. Quyển Die Nacht von Lissabon (Đêm ở Lisbon), được xuất bản vào năm 1962, là tác phẩm cuối cùng của Remarque. Cuốn tiểu thuyết này bán được khoảng 900.000 bản tại Đức và là một sách cũng hơi bán chạy ở nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Erich Maria Remarque //nla.gov.au/anbd.aut-an35447796 http://www.cyranos.ch/litrem-d.htm http://www.swissinfo.ch/ger/kultur/Remarque-Villa_... http://www.nytimes.com/1990/05/18/nyregion/paulett... http://www.playbill.com/news/article/147946-Marlen... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://remarque.chkebelski.de/index_e.html http://www.remarque-gesellschaft.de/ http://www.spiegel.de/kultur/gesellschaft/marlene-... http://www.remarque.uos.de/